Ý nghĩa cụm từ "Tiếng thủ" trong tiếng việt

“Chí tiến thủ” chính là ý chí, nghị lực cố gắng, phấn đấu vươn lên, không bằng lòng với số phận, hoàn cảnh, thực tại của con người. Người có chí tiến thủ là người luôn biết cố gắng, vượt lên hoàn cảnh.

Khi một người sẵn sàng vươn lên phía trước, đón nhận thử thách, chông gai để đạt được cái mình mong muốn, ta nói người đó có chí tiến thủ. “Tiến” thì hẳn ai cũng hiểu là “bước tiếp”, vậy còn “thủ” nghĩa là gì?
Nhiều người cho rằng “thủ” ở đây vốn có gốc Hán, viết bằng chữ 守 có nghĩa là “bảo vệ”, “gìn giữ”. Tuy nhiên như vậy “tiến thủ” sẽ trở thành “vừa tiến vừa phòng thủ”, nghe không dứt khoát, mạnh mẽ như sắc thái vốn có của từ này. Thực tế, “thủ” đúng là một từ gốc Hán nhưng được viết bằng chữ 取 có nghĩa là “lấy”, “cầm lấy”. Và như vậy “tiến thủ” được hiểu thuần là “tiến lên và đón lấy những gì mình mong muốn”.
Tuy ít dùng hơn những chữ “thủ” khác nhưng “thủ” với nghĩa “lấy” này cũng xuất hiện trong vài từ thông dụng, chẳng hạn như:
1. Thủ sẵn (thứ gì): Hắn ta thủ sẵn con dao trong người.
2. Thủ tiêu (vốn có Hán tự là取消): Anh coi chừng bị “thủ tiêu” đó. Ở đây “tiêu” có nghĩa là “mất đi” hoặc “làm cho mất đi” (như trong “tiêu biến”, “tiêu diệt”, “tiêu hoá”…). Vậy “thủ tiêu” hiểu thuần là “lấy mất đi” hoặc “lấy và làm cho mất đi”, hiểu rộng ra là “huỷ bỏ, loại bỏ”.
3. Tranh thủ (vốn có Hán tự là爭取): Phải tranh thủ lắm tôi mới có thời gian đến đây. Chữ “tranh” (爭) ở đây cũng là một với “tranh” trong “tranh giành”, “tranh đoạt”. “Tranh thủ” vốn có nghĩa gốc là “tranh đoạt, hết sức giành lấy cho được”, sau mở rộng thêm nghĩa “tận dụng một cách tích cực cái mà bình thường có thể không sử dụng đến” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên), chẳng hạn như “tranh thủ giờ nghỉ để học bài”…
Ngoài chữ “thủ” (取) này, quý độc giả còn biết chữ “thủ” với những nghĩa nào khác nữa không?



XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN