Hàm xúc không có nghĩa, là viết sai chính tả. Thế nên, “Hàm súc” mới là từ đúng
“HÀM XÚC” HAY “HÀM SÚC”?
Nhiều người thường dùng từ “hàm xúc” với nghĩa là “hàm chứa xúc cảm”. Thực tế trong từ điển không ghi nhận từ nào như vậy cả. Từ chính xác cần phải nói đến ở đây là “hàm súc”.
Thật vậy, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng: “Hàm súc: Chứa bên trong, không lộ ra. Cử chỉ ấy hàm súc một tình thương nồng nàn”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên cũng đồng tình: “Hàm súc: Chứa đựng nhiều ý tứ, kiến thức, kinh nghiệm, cần nghiên cứu, tìm tòi mới nhận ra. Bài văn hàm súc”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì giải thích: “Hàm súc (hình thức diễn đạt): có chứa đựng bên trong nhiều ý sâu sắc. Câu thơ hàm súc”.
Thực tế, “hàm súc” là một từ Hán Việt vốn được viết bằng hai chữ 含蓄. Trong đó, “hàm” (含) có nghĩa là “chứa đựng”, cũng xuất hiện trong các từ sau:
- Hàm hồ: Vốn viết bằng hai chữ 含糊 với “hồ” (糊) là “cháo nhừ” hay “hồ dán”. “Hàm hồ” như thế được hiểu thuần là “chứa đựng hồ dán”, còn nghĩa bóng là “mập mờ”, “không rõ ràng” (chứa một đống bầy nhầy dính dác như hồ dán chứ không phân rõ).
- Hàm oan: Vốn viết bằng hai chữ 含冤, có nghĩa thuần là “chứa đựng nỗi oan”, nghĩa bóng là “bị oan ức mà không bày tỏ được”.
- Hàm ý: Vốn viết bằng hai chữ 含意, có nghĩa là “ý tứ ẩn tàng bên trong”.
Còn “súc” (蓄) có nghĩa là “tích, chứa, trữ”. Đây cũng chính là “súc” trong:
- Súc tích: Vốn viết bằng hai chữ 蓄積 với “tích” là “chứa”, “chất”, “dồn lại” (như trong thành tích, tích luỹ…). “Súc tích” như thế nghĩa là “cất chứa, tích tụ”.
- Uẩn súc: Vốn viết bằng hai chữ 蘊蓄 với “uẩn” là “tích chứa, giấu góp”. “Uẩn súc” như thế có nghĩa là “chứa đựng nhiều”. Hẳn từ “uẩn súc” đã biến âm ra “uẩn khúc”.
Như thế, “hàm súc” mới là từ chính xác. “Hàm xúc” là cách dùng sai do sự lẫn lộn s/x và liên tưởng đến “xúc” trong “cảm xúc” mà ra.
(Tham khảo Từ điển Hán Nôm và các tư liệu đã dẫn trong bài)