“Sởi lởi” và “xởi lởi”, đâu mới là chính xác?


Ở đây chúng tôi đang muốn nói đến một từ dùng để chỉ người có tính tình cởi mở, phóng khoáng. Tuy quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết cách viết đúng từ này. “Sởi lởi” và “xởi lởi”, đâu mới là chính xác?
Liên quan đến điều này, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng như sau: “Xởi lởi: Nói người ăn ở rộng rãi, không bủn xỉn ác nghiệt: Ăn ở xởi lởi, trời cởi mở cho”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì giải thích: “Xởi lởi: … 1. Cởi mở, dễ tiếp xúc, dễ hoà với người khác. Chuyện trò xởi lởi với nhau… 2. Tỏ ra phấn chấn. Nghe tin vui, nét mặt cứ xởi lởi dần lên. Việc làm ăn ngày càng xởi lởi”. Như vậy, tuy cách định nghĩa có phần khác biệt nhưng cả hai tư liệu đều cho rằng “xởi lởi” mới là từ chính xác và không ghi nhận “sởi lởi”.
Bản thân từ “xởi” được Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “làm cho tơi ra” như trong “xởi đất”. Cần lưu ý rằng đây là một từ khác chứ không phải biến âm của “xới”. Từ này được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giải thích chi tiết hơn như sau: “Xởi: Xớt lên cho rời ra, cho cao lên, cho thấy được nhiều: Xởi tơ, xởi thuốc…”. Như vậy nghĩa riêng của “xởi” phần nào cũng có liên quan đến “xởi lởi” (làm cho tơi, cho rời → thoáng, cởi mở).
Còn “lởi” thì chúng tôi không tìm thấy tư liệu nào định nghĩa chữ này, vậy hẳn đây chỉ là một yếu tố láy mà thôi. Mối quan hệ song hành giữa “l” và “x” có thể thấy trong nhiều trường hợp như “xán lạn”, “xa lạ”, “lao xao”, “lấc xấc”… Và cũng tương tự thế, “lởi” đã trở thành ứng viên đi chung với “xởi” để tạo ra “xởi lởi”.
Tóm lại, “xởi lởi” mới là từ đúng. “Sởi lởi” là cách dùng sai, do bị ảnh hưởng bởi “sởi” trong “bệnh sởi” mà ra.



XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT
Phân biệt các động từ liên quan đến ăn uống
Vì sao gọi là "Lơ xe". bắt nguồn và Ý nghĩa từ?
“Dày dạn” và “Dày dặn” đâu là từ chính xác
Vì sao gọi quần đùi là quần xà lỏn?
Ý nghĩa cụm từ "Đầu trộm đuôi cướp"
"Hàm súc" và "hàm xúc", đâu là từ chính xác?


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN
"Hàm súc" và "hàm xúc", đâu là từ chính xác?
Ý nghĩa cụm từ "Đầu trộm đuôi cướp"
Vì sao gọi quần đùi là quần xà lỏn?
“Dày dạn” và “Dày dặn” đâu là từ chính xác
Vì sao gọi là "Lơ xe". bắt nguồn và Ý nghĩa từ?
Phân biệt các động từ liên quan đến ăn uống