“Dày dạn (tính từ): đã từng trải, chịu đựng nhiều đến mức quen đi với khó khăn, nguy hiểm… Người thuỷ thủ dày dạn sóng gió. Dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Dày dặn (tính từ): dày và có vẻ chắc chắn (nói khái quát). Mái nhà lợp dày dặn”.
“Dày dạn kinh nghiệm” và “dày dặn kinh nghiệm”, đâu là cách dùng chính xác?
Liên quan đến việc này, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng như sau:
“Dày dạn (tính từ): đã từng trải, chịu đựng nhiều đến mức quen đi với khó khăn, nguy hiểm… Người thuỷ thủ dày dạn sóng gió. Dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Dày dặn (tính từ): dày và có vẻ chắc chắn (nói khái quát). Mái nhà lợp dày dặn”.
Cứ như nội dung trên thì “dày dạn kinh nghiệm” là cách dùng đúng. Nhưng nếu để ý kĩ một chút thì cách định nghĩa của tư liệu này có phần không ổn. Nếu nói “dày dạn” là “từng trải, chịu đựng nhiều đến mức quen đi” thì chẳng hoá ra “dày dạn kinh nghiệm” là “đã từng trải đến mức quen với kinh nghiệm” hay sao?
Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên xuất bản năm 1994 tuy không dám hùng hồn đưa ra câu ví dụ như Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, nhưng cũng cắt nghĩa: “Dày dạn: Đã quen với những khó khăn trở ngại. Dày dạn gió sương… Dày dặn: Dày… và chắc chắn. Cái xanh dày dặn (xanh là một dụng cụ để nấu ăn – TVGĐ)”. Điều này lại càng cho ta thấy “dày dạn kinh nghiệm” là một cách nói đầy mâu thuẫn (dày dạn kinh nghiệm = quen với kinh nghiệm (!?)), nhưng “dày dặn” thì chỉ là “dày” theo nghĩa vật lý mà thôi.
Ngược dòng thời gian về các tư liệu xưa hơn, ta sẽ thấy “dày dạn” và “dày dặn” không có nghĩa như hiện giờ. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản vào cuối thế kỷ 19 giảng: “Dày dặn: (dày) tiếng đôi”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản vào đầu thế kỷ 20 cũng định nghĩa: “Dày dặn: cũng như dày”. Như vậy lúc bấy giờ “dày dặn” không chỉ dùng cho các đồ vật như xanh, mái nhà… mà là “dày” nói chung. Căn cứ vào cách nói “bề dày kinh nghiệm” vẫn được dùng cho tới ngày nay, ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định “dày dặn kinh nghiệm” khi ấy là cụm từ chính xác.
Hai tư liệu trên đây không ghi nhận “Dày dạn” mà chỉ ghi nhận “dạn dày”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: “Dạn dày: Liều, không còn biết sợ, xấu hổ… Mặt sao dày gió dạn sương (truyện Kiều). Mặt dạn mày dày (tục ngữ)”.
Như vậy đối chiếu các tư liệu, ta có thể hình dung ra một quá trình chuyển đổi như sau:
1. Ban đầu chỉ có “dạn dày” với nghĩa “không biết sợ, xấu hổ” và “dày dặn” với nghĩa như “dày”. Khi ấy, người ta chỉ dùng duy nhất cách nói “dày dặn kinh nghiệm”.
2. Truyện Kiều phát triển “dạn dày” thành “dày gió dạn sương” (một phần để cho đúng âm vần). Có lẽ do ảnh hưởng từ đây mà người ta hình thành cách nói “dày dạn gió sương” và hiểu lầm thành “trải nhiều, quen với gió sương” nhưng không biết câu gốc dùng cụm này để tả khuôn mặt dày, không còn biết xấu hổ.
3. Do quá gần gũi về âm và về nghĩa nên “dày dặn” và “dày dạn” bị dùng lẫn lộn. Người “dày dặn kinh nghiệm” (tức “dày” kinh nghiệm, hay nhiều kinh nghiệm) hẳn là người từng trải, hay người “dày dạn”. Các từ điển gần đây do sự lẫn lộn này nên đã thay “dày dặn kinh nghiệm” thành “dày dạn kinh nghiệm”, rồi gò nghĩa của “dày dặn” lại, chỉ dùng cho bề dày vật lý mà thôi.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì những tư liệu ghi nhận “dày dạn kinh nghiệm” cũng không đưa ra được lời giải thích thoả đáng (như đã nói ở đầu bài); hơn nữa cách nói “dày dặn kinh nghiệm” vẫn còn được nhiều người sử dụng chứ không bị áp đảo hoàn toàn. Do đó ở đây xin chọn “dày dặn kinh nghiệm” là cách dùng chính xác.